dai phuc hung

A great WordPress.com site

Archiv für das Schlagwort “Fareed Zakaria”

Một Thế Giới Hậu Hoa Kỳ – (The Post-American World)

 

Lời Mở Ðầu cho ấn bản bìa mềm

Chiếc xe đua chạy nhanh nhất thế giới

Thời hoàng kim nào cũng đến lúc chung cuộc. Càng hào nhoáng chừng nào, kết cục càng cháy bỏng hơn. Cuộc đổ vỡ năm 2008 là sự xụp đổ tồi tệ nhất của thế giới kể từ năm 1929 và đã dẫn đến sự đình trệ kinh tế thê thảm nhất kể từ cuộc Đại suy thoái đến nay. Tất cả mọi biến chuyển trong năm qua đều không từng có thể tiên liệu được: sự hủy hoại gần 50 trillion mỹ kim trong các tài sản kinh tế toàn cầu; việc quốc hữu hóa những công ty cho vay nợ nhà lớn nhất Hoa Kỳ; vụ khai phá sản lớn nhất lịch sử (Lehman Brothers); sự biến mất của các ngân hàng đầu tư; những gói kích thích và cứu chuộc quanh thế giới lên đến nhiều trillion dollars. Chúng ta đang sống qua thời đại chắc sẽ được nhớ lại và nghiên cứu trong nhiều thế hệ sau.


Làm thế nào chúng ta đã đến mức này? Mỉa mai thay, tôi đã phải rút ra kết luận rằng nguyên nhân chính của cuộc đổ xụp này là – sự thành công. Một phần tư thế kỷ qua đã là một sự tăng trưởng ngoạn mục. Cứ mỗi một thập niên hay tương tự, kích thước kinh tế toàn cầu tăng gấp đôi, từ 32 trillion mỹ kim trong năm 1999 lên đến 62 trillion vào năm 2008, lạm phát liên tục nằm ở mức thấp một cách đáng ngạc nhiên. Sự tăng trưởng kinh tế đã đến tận những khu vực mới. Trong khi các gia đình ở phương Tây dọn vào các ngôi nhà to hơn, mua sắm laptop và điện thoại di động, thì những nông dân đủ ăn ở Á Châu và châu Mỹ La tinh tìm được công ăn việc làm mới trong các thành phố phát triển nhanh. Ngay cả ở Phi châu, dân chúng cũng nhảy vào được thị trường toàn cầu để mua bán sản phẩm của mình. Ở mọi nơi chốn, giá cả hàng hóa đi xuống, trong khi sự thịnh vượng trong các hình thức đầu tư chứng khoán và địa ốc nhảy vọt. Những biểu thị kinh tế vĩ mô đã cho thấy câu chuyện chỉ trong nháy mắt. Trong năm 2006 và 2007, những năm đánh dấu cao trào của thời hoàng kim, 124 quốc gia – khoảng 2/3 tổng số các nước trên thế giới- đã nhanh chóng phát triển hơn 4 phần trăm hàng năm.

Nguyên nhân gì tạo nên thời đại phát triển toàn cầu? Như tôi sẽ trình bày chi tiết trong tập sách này, đó chính là sự kết hợp của chính trị, kinh tế và sức mạnh của khoa học kỹ thuật.

Chính trị :
Cái chết của Liên bang Xô Viết đã dẫn đến một thế hệ tương đối ổn định về chính trị. Trong thời chiến tranh lạnh, đã từng xảy ra hàng chục cuộc chiến tranh dân sự, bạo loạn và các nhóm phiến loạn vũ trang được Liên Xô bảo trợ – và trong hầu hết các trường hợp này, Tây phương cũng đã tài trợ cho các đối tác của mình. Không có cạnh tranh về quyền lực, chiến tranh ít xảy ra hơn và nếu có xảy ra cũng chỉ ở bình diện nhỏ. Cũng có những ngoại lệ, như vụ đụng chạm đẫm máu ở Congo trong những năm 1990 và, dĩ nhiên, chủ nghĩa khủng bố như đã từng gây nên bởi Al Qaeda, nhưng trên tổng thể, thế giới đã tận hưởng được sự ổn định và hòa bình hơn là đã từng có trong suốt thế kỷ. Con số thương vong gây nên bởi các bạo hành chính trị tiếp tục suy giảm.

Kinh tế :
Sự xụp đổ của chủ nghĩa cộng sản đã khiến thị trường tự do tư bản chủ nghĩa trở thành lối thoát sinh tử duy nhất để vận hành một nền kinh tế, khiến tạo khích lệ cho các chính phủ ở mọi nơi trở nên một bộ phận của hệ thống kinh tế quốc tế. Các thỏa hiệp mới và các cơ quan như WTO đã hoạt động để giảm bớt các rào cản nhằm hợp nhất thế giới. Các chính phủ từ Việt Nam đến Cam Bốt đều đã nhận thức được rằng họ không thể bỏ lỡ cuộc chạy đua đến thịnh vượng của cả toàn cầu. Các chính phủ này đã theo đuổi các chính sách hợp lý, giảm mức nợ nần và loại bỏ những trợ cấp nâng đỡ phi lý- không phải vì những con người như Bob Rubin hay Hank Paulson cưỡng ép họ phải hành động như thế, mà chính bởi vì họ có thể nhìn ra được những lợi điểm của việc di chuyển vào trong phương hướng ấy (và cái giá phải trả nếu không hành động như thế). Những cải tổ ấy khuyến khích đầu tư quốc tế và tạo nên các công ăn việc làm mới.

Ðồng thời, các ngân hàng trung ương đã học được cách điều khiển và làm dịu nhẹ chu kỳ thương mại, ngăn ngừa được những thay đổi giá cả bất nhất khiến có thể tổn hại đến công ăn việc làm, tài sản tiết kiệm , dẫn đến các bất ổn và cách mạng. Lấy Hoa Kỳ làm một thí dụ: Giữa những năm 1854 và 1919, cứ bốn năm lại xảy ra một lần suy thoái và mỗi lần như thế, sự suy thoái kéo dài đến hai năm tròn. Hai thập niên qua, Hoa Kỳ trải qua được tám năm tăng trưởng liên tục không hề bị gián đoạn bởi các suy thoái, và sự suy sụp, khi suy thoái xảy đến chỉ kéo dài có tám tháng. Thời kỳ ổn định này là thắng lợi của cuộc tấn công dài nhiều thế hệ vào nạn lạm phát. Khởi đầu với Paul Volcker vào những năm đầu 1980, các ngân hàng trung ương phát động cuộc chiến tranh chống lạm phát, sử dụng những công cụ cùn mẻ của chính sách tiền tệ để giữ cho giá cả hàng hóa được ổn định tương đối. Những chiến thuật được mài dũa trong cuộc chiến đấu ấy đã trở thành một trong những món hàng xuất khẩu thành công nhất của Hoa Kỳ. Vào năm 2007, chỉ có hai mươi ba quốc gia có mức lạm phát cao hơn 10 phần trăm, và chỉ một quốc gia – Zimbabwe – phải chịu khốn khổ vì lạm phát siêu.

Kỹ thuật:
Cuộc cách mạng tin học gia tốc thêm cho sự xuất hiện của một nền kinh tế toàn cầu đơn thể. Các chi phí về truyền thông xuống thấp, thông tin có thể truy cập được ở mọi nơi và sự kết hợp trở nên dễ dàng hơn. Ðột nhiên, một cửa hàng bán những món hàng thể thao ở Nebraskan có thể có nguồn từ Trung Quốc, bán sang Âu châu, để rồi có sổ sách được thực hiện bởi các kế toán viên ở Bangalore.

Nhưng ảnh hưởng chính của tất cả những thành công này – lạm phát thấp, tăng trưởng toàn cầu, tiến bộ nhanh của khoa học kỹ thuật – lại chính là sự ngạo mạn, hay nói một cách kỹ thuật hơn, là cái chết của sự rủi ro. Trong những năm 1990 và 2000 này, những người làm thương mại đã không còn lo lắng về các rủi ro chính trị – các hiểm nguy đến tăng trưởng kinh tế bởi các cú đảo chính, tấn công của khủng bố và các rối loạn xã hội. Tuy nhiên ít có các rủi ro về chính trị. Một sự táo bạo đã đơn giản mang lại một thể chế mới vẫn phải đối diện với các gò bó cũng như các cơ hội của một nền kinh tế toàn cầu. Sự ổn định căn bản của thế giới thời kỳ hậu chiến tranh lạnh đã kéo dài, bất chấp chủ nghĩa khủng bố cùng đôi lúc tai họa.

Chính những người làm thuơng mại ấy đã ít chú ý đến một vấn nạn rất quen thuộc ở cận kề hơn trong nước : rủi ro về kinh tế. Như Alan Greenspan, họ cho rằng sự phát triển của các sản phẩm tài chính phức tạp đã thực sự giảm thiểu được rủi ro bằng cách phân tán ra rộng rãi. Họ đã tin rằng các mức nợ từng có lúc được xem là nguy hiểm hiện đã có thể kiểm soát được căn cứ vào những gì họ tưởng đã thay đổi được các tình huống mãi mãi. Kết quả là, các nhà đầu tư đã dồn tài sản vào loại vốn thông thường được xem là những loại đầu tư nguy hiểm, tất cả cho những hứa hẹn ít ỏi. Trải rộng tín dụng ra – sự khác biệt lợi tức giữa trái phiếu của ngân khố Hoa Kỳ, thường được coi như một loại đầu tư an toàn nhất thế giới, với trái phiếu của những công ty có thành tích giới hạn – đã ở mức thấp kỷ lục. Những quốc gia bất ổn như Ecuador và các công ty bấp bênh như Chrysler có thể vay mượn được rẻ gần như ngang với chính phủ Hoa Kỳ (Dĩ nhiên là vào năm 2009, Ecuador đã không trả được nợ và Chrysler đã ngăn ngừa được sự khánh tận chỉ nhờ vào sự cứu chuộc phút chót của chính phủ). Và bởi vì nợ rẻ, những người cho vay nợ và giới chủ nhà đã sử dụng quá đà, tiêu xài vượt ra ngoài khả năng của họ. Các ngân hàng và những nhà đầu tư vốn cung cấp tất cả các đồng nợ rẻ mạt ấy đã được bảo đảm bởi những két bạc to đùng của những tập đoàn – với các lợi nhuận tăng vọt gấp đôi trong suốt liên tục mười tám quý liền giữa 2002 và 2006- và tỉ lệ khai phá sản xuống thấp dưới mức trung bình. Những ngày nắng đẹp tưởng như không bao giờ có thể chấm dứt.

Kinh tế thế giới đã trở thành tương tự như một chiếc xe đua đắt tiền, ngoại hạng, với khả năng đua ở tốc độ chóng mặt. Vì mọi người đã lái chiếc xe đua này trong thập niên vừa qua và đã cảm nhận được các cao độ cùng tốc độ cuồng loạn như có chích adrenaline. Chỉ có một vấn đề duy nhất: đó là hóa ra không một ai biết cách lái một chiếc xe đua như thế này. Trải qua mười năm vừa qua, kinh tế toàn cầu đã trở nên một thứ chưa ai từng nhìn thấy – một hệ thống nối kết của khoảng 125 quốc gia, tất cả đều tham dự và tất cả đều chạy với những tốc độ chưa từng biết đến. Thật như thể là chiếc xe đua ấy được lái bởi 125 tay đua khác nhau – và không một ai kịp nhớ nghĩ đến việc mua các bộ phận giảm shock.

Vấn nạn của Nợ nần:
Có những người muốn mua các bộ giảm shock. Họ được xem như những người bi quan tiêu cực trong những năm tháng phát triển. Họ đã đặt câu hỏi tại sao những bộ nợ nhà dưới chuẩn lại có thể được đánh lãi xuất cao như những trái phiếu của hãng General Electric. Nhưng cứ mỗi năm thành công lại chấm dứt với một báo cáo lợi nhuận nổ tung con mắt khác hay ngày lãnh lương bạc tỉ của các nhà quản trị các quỹ đối trọng (hedge funds) cùng những hứa hẹn sửa chữa không được hiện thực hóa khiến những người bi quan tiêu cực trở nên yên lặng hơn. Có một loại đảo ngược lối chọn lọc tự nhiên xảy ra ở Wall Street. Như Boykin Curry, vị giám đốc điều hành ở Eagle Capital đã từng phát biểu, trải qua hai mươi năm qua, „tế bào DNA của gần như tất cả các cơ quan tài chính đã bị biến ảnh (morph) một cách nguy hiểm. Mỗi khi có một ai hối hả tăng thêm lực bẩy tài chính và rủi ro, chỉ vài năm sau đó thực tế lại chứng minh là họ hành động „đúng“. Những con người này được khuyến khích để táo bạo hơn, được thăng chức, và được chi phối đến nhiều tiền bạc hơn. Trong khi ấy, bất cứ ai có quyền mà do dự, hoặc tranh cãi để cẩn thận hơn, đều bị xem là „sai lầm“. Các thành phần cẩn trọng càng tăng phần xấu hổ, phải làm ngơ đi để được tăng thưởng. Họ đã mất đi ảnh hưởng của mình.

Warren Buffett đã giải thích là trọng tâm của vấn nạn chính ở việc cứ tăng mãi cái lực bẩy tài chính – từ chữ hoa mỹ của Wall Street dùng cho chữ „nợ“. Đó chính là „cách duy nhất khiến một người khôn ngoan phải đi đến phá sản“, Buffett đã nói „bạn hành động những điều khôn ngoan, hẳn nhiên bạn sẽ giàu có. Nhưng nếu bạn hành xử khôn ngoan và dùng đến loại đòn bẩy tài chính và bạn cứ hành động sai lầm như thế, đòn bẩy tài chính này sẽ triệt tiêu bạn, bởi vì bất cứ điều gì nhân với con số không chỉ là số không. Thế nhưng điều này lại được củng cố vững chắc thêm bởi vì chung quanh bạn ai cũng đang thành công, bạn cũng đang hành động thành công, và giống như là cô lọ lem Cinderella ở buổi yến tiệc. Nhìn chàng lúc nào cũng mê mẩn, tiếng nhạc càng hay hơn, càng lúc càng vui hơn, bạn nghĩ „Việc quái gì mà ta phải ra về lúc 12 giờ kém 15? ta sẽ về lúc 12 giờ kém hai phút. Thế nhưng khổ nỗi, không hề có cái đồng hồ nào trên tường cả. Và ai cũng nghĩ là mình sẽ ra về vào lúc 12 giờ kém 2 phút „. Một cách tóm tắt, đấy chính là câu chuyện vì sao chúng ta đã đi đến tai họa của năm 2008.

Ở một vài mức độ, nợ nần chính là trọng tâm của tất cả mọi việc. Kể từ những năm 1980, người Mỹ đã tiêu thụ nhiều hơn mức họ làm ra và đã bù vào sự thiếu hụt bằng cách đi vay nợ. Điều này xảy ra trong mọi giai tầng của xã hội. Loại nợ gia đình (household debts) đã tăng nhanh từ 680 billion vào năm 1974 đến mức 14 trillion vào năm 2008. Gấp đôi chỉ trong vòng 7 năm qua. Hiện nay,một gia đình trung bình có mười ba thẻ tín dụng và $120000 tiền nợ nhà. Tuy nhiên, căn cứ trên một số tiêu chuẩn, các hộ gia đình chính là những đỉnh cao của sự tằn tiện. Các chính trị gia ở cấp nhà nước và địa phương bắt đầu vay mượn vào tương lai để hăm hở mang lại cho cử tri của mình những sân vận động chơi bóng rổ mới và các đường cao tốc mười hai đường chạy mà không phải tăng thuế. Họ ban hành các trái phiếu để chi trả cho các công trình yêu quý của mình, các trái phiếu vốn chỉ dựa vào tiền đánh thuế trong tương lai và tiền trúng xổ số. Thế nhưng ngay các chính khách ấy cũng còn phải xấu hổ vì chính phủ liên bang, ông vua của nợ nần. Vào năm 1990, nợ quốc gia ở mức 3 trillion. Đến cuối năm 2008, món nợ này đã lên được cõi mười một con số, vượt quá 10 trillion.(Vào lúc tôi viết những dòng này, con số ấy đã đến 11 trillion). Chiếc đồng hồ ghi nợ quốc gia nổi tiếng ở thành phố Nữu Ước không còn chỗ để hiển thị tất cả các con số. Chủ nhân của chiếc đồng hồ này sẽ phải lắp đặt một cái đồng hồ mới, to rộng hơn vào năm nay.

Nói một cách khác, Hoa Kỳ đã trở thành một đất nước của những con nợ. Không có gì là sai trái với nợ nần – nếu sử dụng khôn ngoan, các khoản nợ và đòn bẩy tài chính sẽ là những nhịp tim của một nền kinh tế hiện đại – nhưng sử dụng quá mức như thế, nợ nần trở nên kẻ sát nhân. Và cả hai vế của phương trình phải đưọc cân bằng – Hoa Kỳ đã không bao giờ có thể đến được vị trí như thế nếu không có những quốc gia sẵn lòng cho vay nợ. Đó là nơi mà – „Cuộc vươn dậy của những kẻ khác“ như tôi đặt tên – nhập cuộc, và điều này được biểu tượng tốt nhất từ cuộc vươn dậy của Trung Quốc.

Dù trải qua những năm tháng phát triển mạnh, các hộ gia đình ở Trung Quốc và các tập đoàn đã có khuynh hướng cẩn trọng. Họ bỏ vào ngân hàng một nửa lợi tức kiếm được của mình, luôn luôn sẵn sàng cho một ngày khó khăn. Tính cần kiệm cao độ kết hợp với mức tăng trưởng cao đã đưa đến sự tích lũy của Trung Quốc về những nguồn vốn lớn lao. Nhưng đây không phải chỉ có nguyên nhân từ các đặc điểm của loại văn hoá đức Khổng tử. Chính phủ Trung Quốc đã không hề khuyến khích việc tiêu dùng và cổ vũ cho sự tiết kiệm, một phần là phương cách để giữ mức lạm phát và tiền tệ của họ ở mức thấp – điều đã khiến cho hàng hóa Trung Quốc được rẻ và thu hút giới tiêu thụ Tây phương, các quốc gia như Trung Quốc đã được lên men bởi cơn khủng hoảng Á châu năm 1997, khi các nền kinh tế Á châu thất bại, các ngân hàng Tây phương đến tiếp cứu bằng những điều kiện vay phiền hà. Sau khi hồi sinh, các chính phủ Á châu – và cả các chính phủ khác ngoài Á Châu nữa- quyết định tích lũy trữ lượng của chính mình, để khi xảy ra khó khăn, họ sẽ không phải lệ thuộc vào lòng tốt của người lạ nữa.

Do đó, thay vì mang đồng tiền tiết kiệm tăng nhanh của mình tái đầu tư vào kinh tế nội địa, chính quyền Trung Quốc đã dấu nhẹm đi. Nhưng làm sao chính phủ tích trữ được tiền bạc của mình? Chính bằng cách mua vào – và vẫn còn tiếp tục mua đến hiện nay – những thứ mà khi ấy được coi là những loại đầu tư an toàn nhất thế giới: các trái phiếu của Ngân khố Hoa Kỳ. Thông qua việc tích lũy các khối lượng khổng lồ của nợ Hoa Kỳ, người Trung Quốc đi đến chỗ phụ giúp cho lối tiêu thụ Mỹ – là chính cái tính cách đã gây ra nợ nần. Họ đã tài trợ cho cuộc chè chén chi tiêu của chúng ta và xây dựng lên một kho tích trữ vĩ đại của đồng nợ mỹ kim. Người Trung Quốc đã tiết kiệm quá nhiều, người Mỹ đã tiêu thụ quá tay. Hệ thống như thể được cân đối rồi.

Và không phải chỉ có Trung Quốc mà thôi. Tám thị trường hội nhập quốc gia khác đã tích lũy được một ngân quỹ chiến tranh trị giá hơn 100 tỉ, đa phần là tiền Mỹ kim. Nhưng chỉ riêng Trung Quốc có trong tay hơn 2 trillion dự trữ, hầu hết là tiền Mỹ kim. Tháng 9 vừa qua, Trung Quốc trở thành chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Hoa Kỳ, qua mặt cả Nhật Bản, một đất nước lâu nay đã không còn mua vàng bạc của Hoa Kỳ ở khối lượng lớn nữa. (Với sở hữu 10 phần trăm của tất cả những trái phiếu kho bạc Mỹ chưa đáo hạn, Trung Quốc gần như một chủ nợ lớn nhất, thế thôi, nhưng Ngân khố Hoa Kỳ không tính đến giới cho vay trong nước). Trung Quốc hiện nay đang sở hữu các biên lai nợ lớn nhất thế giới, và các biên lai nợ này đều có chữ ký của chú Sam.

Sự tiết kiệm quá mức trên bình diện toàn cầu đã cho thấy cũng là một vấn nạn như sự tiêu dùng quá tay. Nhà kinh tế học Dani Rodrick ở Havard đã ước đoán rằng việc chuyển gởi quá nhiều tiền ra ngoại quốc thay vì đầu tư một cách sinh lợi đã làm tốn kém cho Trung Quốc khoảng một phần trăm GDP một năm, hoặc hơn 40 tỉ hàng năm. Việc cho vay của Trung Quốc chính cũng đã là một chương trình kích thích vĩ đại cho Hoa Kỳ. Khiến giữ được mức lãi xuất thấp, khuyến khích người có nhà mượn lại thêm vào nợ nhà, các nhà quản trị quỹ đối trọng nén chặt thêm các loại đòn bẩy tài chính và các ngân hàng đầu tư mầy mò chọc được những bản cân đối kết toán của mình. Nhà bỉnh bút Martin Wolf của tờ Thời báo Tài chính đã nói lối cho vay của Trung Quốc tạo ra đồng tiền rẻ mạt và „đồng tiền rẻ tạo nên các cuộc truy hoan trác táng của những sáng tạo tài chính, vay mượn và chi xài“.

„Sẽ không có đường quay về cho lối làm ăn như trước nữa“ Wolf đã viết như thế. Nhưng trong ngắn hạn, dường như chúng ta đi đến hơn cả nguyên trạng ấy. Không lâu trước khi nhậm chức, Tổng thống Barack Obama đã cảnh báo về viễn cảnh của „các khoản nợ hàng trillion mỹ kim cho những năm sắp đến“ khi chính phủ của ông tăng thêm tất cả các chi tiêu vào mọi thứ, từ kỹ nghệ xanh đến chăm sóc y tế nhằm thổi nền kinh tế lún sâu của chúng ta lên. Hầu hết các khoản tiền chi dùng ấy đều vay mượn từ Trung Quốc. Người Trung Quốc cũng có những khó khăn kinh tế của chính họ để mà phải vượt qua, và họ đã phải chi 600 tỉ Mỹ kim – một con số vĩ đại tương đương với 15 phần trăm GDP của họ – để chiến đấu với các khó khăn ấy. Kết quả là, chúng ta đang yêu cầu Trung Quốc phải đồng thời tài trợ cho cả hai cuộc bành trướng tiền tệ lớn nhất trong lịch sử con người: của chính họ và của chúng ta. Và quốc gia có tất cả các sáng kiến để tiếp tục tiêu xài lu bù các trái phiếu kho bạc của mình. Không thế thì các xuất khẩu của Trung Hoa sẽ khốn đốn, và các tỉ số gia tăng cao ngạo của họ sẽ tụt xuống đất đen.

Tuy nhiên, người Trung Quốc có các lựa chọn. Kinh tế gia từng đoạt giải Nobel Joseph Stigliz đã giải thích rằng „Họ chắc chắn sẽ giữ cho giới tiêu thụ ở Hoa Kỳ tiếp tục như thế, nhưng nếu rõ ràng là điều ấy không mang lại kết quả, họ sẽ có kế hoạch B“. Kế hoạch B sẽ là sự tập chú vào việc thúc đẩy tiêu thụ ở Trung Hoa thông qua các chi dùng của chính phủ và tăng thêm tín dụng cho nhân dân mình. Như sử gia Niall Ferguson đã viết “ câu hỏi lớn nhất của ngày hôm nay là phải chăng Hoa-Mỹ (Trung Quốc và Mỹ) đi chung đường với nhau hay chia ra hai ngả riêng vì cơn khủng hoảng này. Nếu đi chung đường, chúng ta sẽ tìm ra được một lối mòn đi ra khỏi cánh rừng. Nếu họ chia tay, chúng ta sẽ phải chào tạm biệt với toàn cầu hóa“.

Kịch bản tốt nhất sẽ là Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng hợp tác với nhau để từ từ tháo gỡ cái kết ước cùng tự sát của họ. Trung Quốc sẽ hưởng lợi được từ việc có thêm nhiều tiền để tái đầu tư vào kinh tế nội địa của họ. Hoa Kỳ sẽ hưởng lợi được từ sự bắt buộc phải tiến hành những quyết định mạnh mẽ hơn để cuối cùng sẽ trở nên khá hơn. Tối thiểu từ những năm 1980, người Mỹ đã từng nhận ra rằng mình có thể tiêu xài buông thả, cứ khất lần việc trả nợ cho đến vô hạn. Điều này đã không tốt đẹp gì cho chính sách đối ngoại và đối nội của họ. Điều ấy đã khiến cho Hoa Thịnh Đốn trở nên ngạo mạn, lười biếng và cẩu thả. Nhưng những chuyến tàu miễn phí đang đi đến kết thúc rồi.

Chạy đua đến một Thế giới Hậu-Hoa Kỳ:
Mặc dù kích thước của cuộc khủng hoảng tài chính này vượt khỏi bất cứ điều gì trong ký ức gần đây nhưng không phải là nó chưa từng xảy ra. Lịch sử của chủ nghĩa tư bản đầy ắp những ảo tưởng, hoảng loạn, các cơ chế tài chính đổ vỡ và các suy thoái. Người Đức đã từng mất trí vì hoa tulip vào những năm 1600, chứng điên loạn đường sắt đã tấn công Đế quốc Anh vào những năm 1840. Ngay chỉ mới gần đây vài thập niên, đã từng có những thảm hoạ về tài chính ở Mexico, Argentina, Brazil và hầu như ở mọi thành phố của các quốc gia châu Mỹ Latinh. Nga và các nước vệ tinh của họ trước đây đã bị khánh tận vào những năm 1990 và con bệnh đã lây lan đến các nước Á châu cho đến cuối thập kỷ ấy. Cú đổ xụp năm 1998 của Long-Term Capital management, một trong những quỹ đối trọng lớn nhất thế giới, đã quá muộn phiền đến mức Quỹ dự trữ liên bang đã phải tổ chức một cuộc cứu chuộc (bailout) để giữ cho hệ thống tài chính không bị xụp đổ.

Nguyên tác: Fareed Zakaria

(Còn tiếp)

Beitragsnavigation